Mụn đầu đen là gì, nguyên nhân và cách điều trị
Mụn đầu đen là gì?
Mụn đầu đen là những lỗ nang lông bị tắc nằm ở trên da, nguyên nhân gây tắc thường là do tế bào chết, vi khuẩn và dầu nhờn, khi tiếp xúc với không khí sẽ bị oxy hóa và dần chuyển sang màu đen. Mụn đầu đen khác với mụn đầu trắng, đó cũng là một loại mụn do tắc lỗ nang lông nhưng loại mụn này không tiếp xúc với không khí bên ngoài nên có màu trắng. Mụn đầu đen rất phổ biến và thường xuất hiện trên khuôn mặt, đặc biệt là mụn đầu đen ở mũi. Đôi khi, chúng có thể xuất hiện trên lưng, ngực, cổ, cánh tay hoặc vai.
Dấu hiệu nhận biết mụn đầu đen
Những dấu hiệu và triệu chứng của mụn đầu đen là gì?
Mụn đầu đen rất dễ thấy trên da mặt. Chúng là những nốt mụn nhỏ hơi nhô trên bề mặt da và thường có màu tối. Mụn đầu đen thường không gây đau nhức hoặc sưng đỏ lên như mụn bọc (mụn mủ). Nhưng nếu bạn nạn mụn đầu đen, chúng có thể tiến triển nặng hơn gây viêm nhiễm và trở thành mụn bọc hoặc mụn mủ.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ những điều sau đây:
- Khi những cách trị mụn đầu đen ở nhà không thể làm hết mụn đầu đen
- Mụn đầu đen ngày càng nặng hơn
- Khi mụn hoặc các triệu chứng liên quan làm bạn khó chịu.
Nguyên nhân gây mụn đầu đen
Nguyên nhân nào gây ra mụn đầu đen?
Có nhiều nguyên nhân khiến bạn bị nổi mụn đầu đen. Đó có thể do môi trường hoặc do sự mất cân bằng hormone trong cơ thể. Bạn có thể bị mụn đầu đen khi:
- Các tuyến bã nhờn sản xuất quá nhiều dầu nhờn
- Các chất bã nhờn dư thừa kết cụm với các tế bào da chết và làm tắc nghẽn các nang lông
- Bạn đang dùng các loại thuốc như corticoid, thuốc ngừa thai, lithium hoặc androgen
- Nội tiết tố thay đổi làm gia tăng sản xuất dầu khi trải qua các giai đoạn như tuổi dậy thì hoặc kinh nguyệt
- Da mặt bạn có quá nhiều vi khuẩn, đặc biệt là các vi khuẩn gây mụn (propionibacterium acnes).
Nguy cơ mắc phải mụn đầu đen
Những ai thường mắc phải mụn đầu đen?
Mụn đầu đen là loại mụn trứng cá rất thường gặp và xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, nữ giới thường bị nhiều hơn nam giới, và độ tuổi dậy thì là độ tuổi bị nổi mụn đầu đen nhiều nhất. May mắn là mụn đầu đen có thể dễ dàng được kiểm soát và điều trị.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị mụn đầu đen?
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị nổi mụn đầu đen, ví dụ như:
- Thay đổi nội tiết dẫn đến sự gia tăng sản xuất dầu trong những năm dậy thì, trong khi hành kinh, hoặc trong khi dùng thuốc tránh thai
- Một số loại thuốc, chẳng hạn như corticoid, lithium, hoặc androgen
- Mỹ phẩm, chất tẩy rửa hoặc quần áo làm bít các lỗ chân lông
- Chảy mồ hôi nhiều hoặc sống trong môi trường có độ ẩm cao
- Chế độ dinh dưỡng, lối sống làm tế bào da thay mới quá nhanh.
Điều trị hiệu quả mụn đầu đen
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán mụn đầu đen?
Thường thì các bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng cách quan sát da và mụn của bạn, từ đó đưa ra kết luận dựa vào tính chất của mụn. Sau đó, các bác sĩ có thể hỏi về một số vấn đề ví dụ như bạn có đang sử dụng các loại thuốc như corticoid hay không để tìm ra nguyên nhân gây mụn.
Những phương pháp nào dùng để điều trị mụn đầu đen?
Có nhiều cách trị mụn đầu đen như thuốc không kê toa có chứa các thành phần như axit salicylic và benzoyl peroxide. Các loại thuốc này thường có dạng kem, thuốc mỡ hoặc thanh xà phòng. Nếu các thuốc trên không hiệu quả, bạn nên đi đến các phòng khám da liễu để sử dụng loại thuốc mạnh hơn. Các loại thuốc này có thể chứa các loại vitamin A như tretinoin, tazarotene và adapalene. Các loại thuốc này sẽ làm ngăn chặn sự tắc nghẽn lỗ chân lông và thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da.
Đối với một số trường hợp, bác sĩ da liễu có thể sử dụng một công cụ đặc biệt để nặn mụn đầu đen hoặc công cụ khác có bề mặt thô ráp để loại bỏ những vết bẩn gây tắc nghẽn lỗ chân lông.
Ngoài ra, còn nhiều cách trị mụn đầu đen ở mũi mà bạn có thể thực hiện tại nhà như:
- Mặt nạ lột mụn đầu đen. Ngày nay, bạn có thể dễ dàng mua những loại mặt nạ lột mụn đầu đen ở bất cứ đâu, như siêu thị, nhà thuốc,.. Tùy vào nhu cầu của mình, bạn có thể lựa chọn loại mặt nạ phù hợp cho mình.
- Gel lột mụn đầu đen. Gel lột mụn đầu đen rất được ưa chuộng hiện nay. Đa số các loại này đều được sản xuất ở Việt Nam.
- Baking soda. Bạn chỉ cần chà hỗn hợp baking soda và nước với tỷ lệ bằng nhau lên mũi hoặc các vùng khác trên cơ thể bị mụn đầu đen, để khô trong 15 phút và rửa sạch bằng nước ấm.
- Bột yến mạch. Chỉ cần thực hiện 2–3 lần/tuần, bạn sẽ thấy mụn đầu đen giảm đáng kể, lỗ chân lông được thu nhỏ, da không bóng nhờn.
- Kem đánh răng. Bạn chỉ nên thực hiện 1–2 lần/tuần vì dùng kem đánh răng trong thời gian dài sẽ làm da khô, mỏng và dễ bắt nắng.
- Lòng trắng trứng gà. Bạn hãy dùng vải mềm thoa lòng trắng trứng lên vùng mũi bị mụn đầu đen. Khi mặt nạ đã khô hoàn toàn, bạn hãy nhẹ nhàng tháo mặt nạ và rửa lại với nước.
Chế độ sinh hoạt phù hợp cho người bị mụn đầu đen
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế mụn đầu đen?
Bạn sẽ có thể kiểm soát mụn đầu đen nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Rửa mặt thường xuyên. Bạn cần phải rửa mặt hai lần một ngày với sữa rửa mặt, buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ để loại bỏ sự tích tụ dầu và bụi bặm trên da. Đừng nên rửa mặt nhiều hơn 2 lần mỗi ngày, điều này có thể gây kích ứng da và làm khô da, tạo điều kiện cho mụn phát triển nặng hơn. Bạn nên sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ, không làm da bạn bị đỏ hoặc kích ứng. Bên cạnh đó, đừng quên rửa mặt với nước sạch ngay sau khi ăn những thực phẩm có nhiều dầu như bánh pizza hoặc đồ chiên.
- Gội đầu thường xuyên. Vì nếu có dầu thừa và bụi bặm đọng lại trên tóc bạn, nó sẽ góp phần vào việc làm tắc lỗ chân lông.
- Bất kỳ sản phẩm nào có chứa dầu cũng có thể làm bạn bị nổi mụn đầu đen. Bạn nên sử dụng các loại mỹ phẩm trang điểm, nước tẩy trang, và kem chống nắng không chứa dầu để tránh làm tình trạng mụn nặng hơn.
- Bạn nên tẩy tế bào chết cho da mỗi tuần 1 lần và đắp mặt nạ dưỡng ẩm 2 lần 1 tuần. Điều này sẽ giúp cung cấp độ ẩm cho da, giảm dầu nhờn và giảm mụn đầu đen. Đồng thời bạn nên chọn những sản phẩm dành cho da nhạy cảm để tránh làm cho da bị kích ứng.